Khi các hạng mục thuộc dự án cầu Nhật Tân đang được gấp rút hoàn thành thì giá nhà, đất xung quanh khu vực này lại rậm rịch tăng giá.
Rậm rịch tăng giá – Chuyện bình thường thế rồi
Việc cầu Nhật Tân đã được hợp long và dự kiến sẽ thông xe vào đầu năm 2015 khiến bất động sản quanh cầu Nhật Tân đứng trước “cú hích” nóng trở lại sau gần 5 năm ảm đạm.
Tại các phường xung quanh khu vực cầu Nhật Tân thuộc quận Tây Hồ giá nhà, đất đã tăng từ 5 đến 10% so với hồi cuối năm 2013.
Khu vực Đông Anh cũng đã tăng lên khoảng từ 10 – 20% tùy khu vực và vị trí so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Anh Nguyễn Minh Hiệp – một nhân viên môi giới nhà đất cho biết, từ đầu năm đất khu vực Đông Anh cũng đã có khách hỏi mua nhưng họ cũng chỉ quan tâm đến những lô đất thuộc khu vực có đường sá, hạ tầng tốt như khu Ngọc Giang, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thanh…
Qua khảo sát, nhà đất ở các khu vực Vĩnh Thanh, Ngọc Giang thuộc xã Vĩnh Ngọc có giá dao động từ 20 - 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Sốt đất quanh cầu Nhật Tân |
“Hàng hot” vẫn thuộc về các ô đất trên mặt đường gom lên cầu Nhật Tân như thôn Ngọc Chi, Ngọc Giang (xã Vĩnh Ngọc) hiện có giá chào bán từ 50 - 70 triệu đồng/m2. Giá đất trong làng trong khu vực này cũng có giá trên 30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cũng theo anh Hiệp giao dịch hiện vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể.
Bất động sản ăn theo hạ tầng trở nên sốt nóng đã không còn là chuyện lạ trên thị trường. Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hạ tầng kéo theo giá trị đất đó là chuyện bình thường và phải được tiên liệu.
Tuy nhiên, đặt vấn đề về cơn sốt ảo ở khu vực Nhật Tân, ông Liêm nêu ý kiến: “Như thế nào thì gọi là ảo? Giá đất tăng lên người ta mua rồi trả tiền thực thì đâu là ảo. Mình cứ nói ảo là không có thật. Sốt rồi thì có hạ sốt. Mình quen với ý nghĩ rằng lúc hạ sốt thì gọi lúc sốt cao ấy là ảo. Quy luật thị trường dự án nào ế cứ ế, dự án nào đắt cứ đắt vì bất động sản dính đến vị trí”.
Không khéo lại ăn đòn
Anh Dũng – Giám đốc một công ty xây dựng chia sẻ câu chuyện cầu Nhật Tân hiện nay cũng giống như cầu Vĩnh Tuy. Trước đây, khi thông tin về cầu Vĩnh Tuy được xây dựng tôi có sang mua 1 miếng ở đầu Vĩnh Tuy. Sau khi cầu hoàn thành thì bán cũng được giá. Nhưng sau đợt đó rồi thì chững lại. Thực tế đã như vậy rồi.
Theo vị giám đốc này, phía bên Tây Hồ thì xưa nay đã đắt rồi bây giờ có nhỉnh lên chút ít cũng không phải điều thay đổi quá lớn.
Còn khu vực Đông Anh để phát triển được như khu Gia Lâm bây giờ thì cũng phải cần một thời gian dài nữa chứ không thể trong ngày một ngày hai. Nhưng người ta kỳ vọng thì vẫn cứ kỳ vọng.
“Ở đây cách đây mấy năm cũng đã phân thành những lô nhỏ rồi. Bây giờ chủ yếu là người ta mua đi bán lại những lô đó. Nhưng chỉ có một số xây lên để ở. Có thể trong đợt tới người việc mua đi bán lại những lô này sẽ tiếp tục diễn ra.
Người nào có nhu cầu mua họ vẫn có thể mua để ở vì thực ra giao thông ở đây cũng thuận tiện. Nhưng không phải cứ nghe người ta thổi lên rồi đổ xô đi mua không khéo lại ăn đòn” – anh Dũng nhận định.
Khẳng định nhu cầu của người dân tìm mua nhà đất tại khu vực này là cầu thực, ông Phạm Sỹ Liêm vẫn đưa ra cảnh báo, mấy anh đầu cơ có lẽ đã mua gần hết hai bên đó. Từ khi mới nhúc nhích họ đã mua rồi. Bây giờ sốt là sốt mua đi bán lại với nhau. Nhiều khi đây là cuộc chiến của đầu cơ nên người mua cũng cần tỉnh táo.
Chuyện bất động sản sốt nóng cùng cầu Nhật Tân khiến nhiều người nhớ đến hiện tượng bong bóng giá đất như khu vực Ba Vì, trục Láng - Hòa Lạc. Hay như mới đây, việc tăng giá đất bất thường một số xã khu vực Sóc Sơn nhờ thông tin quy hoạch các trường đại học. Và những “quả đắng” cho giới đầu tư vẫn còn đó!
Hồng Khanh - VietNamNet